Bài học quản trị công ty nhìn từ thất bại của Messi và Ronaldo tại World Cup 2018

Cả Messi và Ronaldo đều phải về nước sớm vì thất bại của đội tuyển tại World Cup 2018.

Theo cựu CEO Taxi Mai Linh, trong quản trị không được phép để cho tổ chức của mình phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào, cho dù người đó có xuất chúng đến đâu. Thất bại của Messi và Ronaldo tại World Cup 2018 chính là bài học nhãn tiền cho những tổ chức quá dựa dẫm vào một nhân sự chủ chốt.

Nhận định về kết quả đáng thất vọng 2 đội tuyển Argentina và Bồ Đào Nha tại World Cup 2018, doanh nhân Trần Bằng Việt – CEO của hãng tư vấn Dong A Solutions, cho rằng đây chính là thất bại của những những tổ chức chỉ biết dựa dẫm vào một vài cá nhân xuất chúng. Tuy nhiên, sự “xuất chúng” ấy chỉ có tính cục bộ, bị giới hạn và chỉ có giá trị cho quá khứ.

Ông Trần Bằng Việt hiện cũng là nhà quản lý Câu lạc bộ Quản Trị và Khởi nghiệp. Ông cũng từng nắm giữ nhiều chức vụ lớn tại Công ty Taxi Mai Linh với vị trí CEO, Phó ban Phát triển Kinh doanh Tập đoàn Mai Linh từ năm 2007 đến 2009 và từng là Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu (JCI) tại Việt Nam năm 2016.

Trong giải bóng đá lớn nhất hành tinh đang diễn ra, cả 2 danh thủ nổi tiếng bậc nhất hiện nay là Messi của đội Argentina và Ronaldo của đội Bồ Đào Nha đã phải về nước sớm. Cả 2 đều đã 3-4 lần dự World Cup nhưng lần nào cũng phải về nước trong nuối tiếc. Cho đến nay, thành công của họ mới chỉ dừng lại ở cấp câu lạc bộ (CLB), nơi họ được ban lãnh đạo thiết kế trở thành trung tâm trên sân bóng, được cả đội bóng hỗ trợ để ghi bàn và tỏa sáng.

Trong khi đó, ở cấp độ đội tuyển, khi có nhiều nhân tài vốn đều là số một ở CLB của họ, cũng đều được chơi theo “cách của mình”, chuyện tất cả phải nhún xuống để phục vụ một nhân vật trung tâm lại không hề dễ dàng. Bởi khi đó, chắc chắn sẽ tồn tại sự bằng mặt nhưng không bằng lòng của các cầu thủ luôn chực chờ bùng nổ khi kết quả không như mong đợi.

Messi có kỹ thuật rất tốt, sống được lòng mọi người và có uy tín với đồng đội. Thế nhưng, anh lại không có đủ khát khao chiến thắng mãnh liệt, khả năng tổ chức cầm trịch trận đấu và tố chất lãnh đạo đủ để làm đội trưởng bất kỳ một đội bóng nào.

Với Ronaldo, anh có năng lực chuyên môn tròn trịa hơn Messi (chân trái, chân phải, đánh đầu, sút phạt), cộng thêm sự ma mãnh, chiêu trò và khát khao chiến thắng mạnh mẽ. Tuy nhiên, ngôi sao này lại thi đấu rất cá nhân, rất thích “thống ngự”. Rõ ràng, với tính cách này, nếu vào đội tuyển khác cứng hơn Bồ Đào Nha thì Ronaldo sẽ rất dễ bị che lấp, thậm chí bị tẩy chay.

Bài học quản trị doanh nghiệp nhìn từ thất bại của Messi và Ronaldo tại World Cup 2018
Doanh nhân Trần Bằng Việt, người từng có nhiều năm làm ở vị trí điều hành cao nhất của Taxi Mai Linh. (Ảnh: Nhịp sống kinh tế)
Từ câu chuyện thất bại của Messi và Ronaldo, ông Việt cho rằng trong quản trị, các tổ chức không nên phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào, cho dù cá nhân đó có xuất chúng đến đâu, dù cá nhân đó có thể là chính người lãnh đạo. Khi tổ chức quá dựa dẫm vào một nhân sự trung tâm, thành công của tổ chức đó sẽ bị giới hạn trong một không gian địa lý, ngành nghề hay thời gian nào đó.

Cụ thể, doanh nhân Trần Bằng Việt cho rằng cá nhân nào cũng có điểm rơi phong độ, có lúc làm gì cũng thành công nhưng cũng sẽ có giai đoạn bất hạnh cố gì cũng hỏng.

Bên cạnh đó, kiến thức, tầm nhìn và năng lực của một người chỉ phù hợp ở một quy mô, ngành nghề, giai đoạn và thị trường nào đó. Khi phải lấn sân sang một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ, họ sẽ chỉ là một tay mơ.

Ngoài ra, một tổ chức quá phụ thuộc vào một cá nhân sẽ khiến cho hệ thống tẩy chay những người nghĩ khác, làm khác với nhân vật trung tâm đó. Đương nhiên, khi đó, những người tài giỏi bên ngoài sẽ không muốn đến và những người giỏi bên trong cũng sẽ tự động bỏ đi. Hậu quả là tổ chức đó sẽ lại càng phụ thuộc hơn và đến một ngày khi nhân vật trung tâm đã qua điểm rơi phong độ cũng là lúc tổ chức lãnh “trái đắng”.

Chính vì vậy, trong quản trị hiện đại, tính hệ thống trong tổ chức, đa dạng trong lãnh đạo rất được đề cao. Bên cạnh đó, các tổ chức cũng cần đặc biệt quan tâm tới cơ chế phản biện nội bộ để giảm rủi ro và tăng khả năng phát triển bền vững của tổ chức. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam lại rất yếu ở khâu này.

Vỹ An
Đại Kỷ Nguyên